- Lạy Phật
Lạy Phật là một hành động không còn xa lạ với bất cứ tín đồ Phật giáo cũng như người ngoại đạo nào. Không chỉ trong đạo Phật mà trong rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác, lạy cũng là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ.
Lạy Phật là hành động thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng với các bậc Giác Ngộ, thể hiện lòng thành tâm và biết ơn với những người đã khai sáng, dẫn dắt mình trên con đường thanh tẩy thân tâm.
Hành động cúi đầu, quỳ gối còn biểu trưng cho việc triệt tiêu tính tự mãn, cái tôi, khép lại bản ngã, rạp mình trước niềm tin tuyệt đối với Phật pháp, cũng là với vị Phật ngự trị sâu bên trong mỗi người.
Trong “Nghiệp Báo Sai Biệt” có đề cập đến 10 lợi ích của việc lạy Phật như sau:
Lạy Phật một lạy thì từ đầu gối trở lên đến đầu đều có ngôi Chuyển Luân Thánh Vương hiển hiện phò trì và cũng có 10 thứ công đức như sau:
- Tự mình có được sắc thân tươi đẹp nhiệm màu
- Lời mình nói ra ai nấy đều tin
- Đối với mọi người dù (là người) ác độc, mình không sợ hãi
- Chư Phật thời thường gia hộ phò trì
- Tự mình có đầy đủ oai nghi, được mọi người kính mến
- Mọi người thảy đều muốn làm quen giúp đỡ
- Chư Thiên đều yêu kính
- Đầy đủ các điều phúc đức, hưởng mọi thanh nhàn
- Khi chết nhận định được vãng sanh
- Tự mình chứng quả vắng lặng Niết Bàn
- Lạy Phật như thế nào là đúng?
Lạy Phật có 4 cách: Ngũ thể đầu địa; Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ; Tam khấu đầu; Lạy đứng
2.1 Ngũ thể đầu địa:
Ngũ thể đầu địa tức là khi lạy Phật nép thân mình sát đất.
Cách lạy này làm tiêu diệt tâm kiêu mạn của mình và biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Phật. Ngũ thể gồm 2 tay, 2 chân và đầu. Khi lạy Phật, cả 5 bộ phận này được gieo xuống chạm sát đất. Khi lạy theo cách này thường là phát nguyện rất lớn, như trong “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Tuỳ Sớ Diễn Nghĩa Sao” có dạy:
- Khi gối phải con quỳ xuống đất, nguyện cho chúng sanh theo đường chánh giác
- Khi gối trái con quỳ xuống đất, nguyện cho ngoại đạo bỏ hết tà kiến theo về chánh đạo
- Khi tay phải con chống xuống đất, nguyện được vững chắc như Phật ngồi toà Kim Cương, hiện điềm lành chứng đạo Bồ Đề
- Khi tay trái con chống xuống đất, nguyện các chúng sanh khó điều phục xa lìa ngoại đạo, dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, nói năng êm dịu, làm việc lợi ích, đồng tâm đồng sức cùng sống thân mật với nhau) mà đưa nhau gần vào chánh đạo
- Khi đầu con sát đất, nguyện cùng chúng sanh bỏ tâm kiêu mạn, thành tựu đạo Vô Thượng Bồ Đề
2.2. Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ:
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ tức là khi lạy thì mặt úp vào tay. Cách lạy này là xem như đang ôm lấy bàn chân Đức Phật, bày tỏ tấm lòng thành kính.
2.3. Tam khấu khầu:
Tam khấu đầu, tức lạy dập trán xuống đất 3 lần. Đây là cách lạy thông thường, xem như “nhất tâm đảnh lễ”. 3 lần dập trán là biểu hiện lòng thành khẩn và sự cung kính đối với Tam Bảo.
2.4. Lạy đứng:
Trong kinh “Đại Phương Quãng Bảo Kháp” có chép:
“Bậc Thanh Văn tên là Trí Đăng hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi rằng:
- Lạy Phật phải lạy như thế nào?
Ngài đáp:
- Nếu thấy kinh, sách phải coi như thấy Phật, thân phải nghiêm chỉnh, không nghiêng, không vẹo, không lay, không động. Tâm phải vắng lặng không khởi lên một mảy may phiền não. Dù đứng mà lạy nhưng với sự thành kính, tĩnh mịch như thế thì chính là lạy Phật.”
Như vậy, việc lạy đứng nhưng vẫn nghiêm chỉnh, khởi lên ý niệm tôn kính tự tâm, khiến tâm tĩnh lặng hướng về Đức Phật thì cũng không kém phần lợi lạc.
- Lạy Phật như thế nào là đúng?
Trước khi lạy Phật, quần áo tóc tai phải chỉnh tề gọn ghẽ. Nếu chủ tâm đi chùa đảnh lễ hay chuẩn bị lạy tại phòng thờ của tư gia thì cần tắm rửa cho bản thể được sạch sẽ, còn nếu chỉ vô tình đi qua tôn nghiêm, có duyên diện kiến tôn tượng các Ngài mà phát tâm đảnh lễ thì chỉ cần chỉnh trang cho bản thân trang nghiêm nhất có thể là được.
Khi chuẩn bị lạy Phật:
- Hai gót chân chạm khít lại với nhau, hai bàn chân xoè ra một góc 60 độ
- Hai bào tay chụm lại, các ngón tay khép sát
- Tầm mắt nhìn xuống thấy đầu lỗ mũi và đầu các ngón tay là vừa
- Hai cánh tay khép sát vào thân người.
Khi lạy:
- Hai tay chắp nguyên, từ từ đưa lên, ngước mắt nhìn theo tôn tượng, rồi từ từ hạ 2 tay xuống, cúi đầu
- Ngũ thể đầu địa: Hạ 2 phần cơ thể (2 tay, 2 chân, đầu) xuống, khi gần sát đất thì úp lòng bàn tay xuống đất, hai đầu gồi hơi dãn ra, trán ở giữa 2 tay
- Đầu diện tiếp túc: Hai lòng bàn tay để mở, hướng lên trên, tay phải đặt trên tay trái, cúi đầu úp mặt vào lòng bàn tay
Khi lạy xong: Đầu ngẩng lên từ từ, rồi từ từ đứng dậy thẳng thớm, nghiêm chỉnh rồi lại tiếp tục lạy.
Số lạy trong đạo Phật:
- 3 lạy: quy kính Tam Bảo
- 4 lạy: báo đáp Tứ Ân
- 5 lạy: quy kính Tam Bảo và bậc sinh thành
Khi lạy Phật phải tuyệt đối trang nghiêm, chú tâm tịch mịch, không nhìn ngang ngó dọc, không nói chuyện riêng, tập trung toàn tâm toàn ý vào việc mình đang làm. Vì lạy Phật cũng được xem là một hình thức tu tập thường ngày.