Đôi Điều Chia Sẻ

Cách Thờ Bồ Tát Địa Tạng Vương

 

  1. Bồ Tát Địa Tạng Vương là ai

Bồ Tát Địa Tạng Vương là một vị Bồ Tát không còn xa lạ trong Phật giáo Đại Thừa. Ngài được xem là vị Bồ Tát cai quản chốn địa phủ u minh, cứu độ cho những linh hồn còn mang trên mình nghiệp ác, chưa thể siêu thoát.

Tương truyền, trong vô lượng kiếp, có một kiếp Bồ Tát Địa Tạng Vương mang trên mình thân nữ, sanh làm con gái một nhà Bà La Môn. Mẹ của Ngài khi ấy không tin vào Tam Bảo, lúc sinh thời phạm nhiều sát nghiệp nên khi qua đời bị đày xuống 18 tầng địa ngục, chịu nhiều cực hình, trừng phạt rất đau đớn. Vì quá thương mẹ, Ngài đã quỳ bên linh cữu nhiều ngày, tụng kinh niệm Phật mong cho mẹ được siêu thoát. Cảm động vì tấm lòng hiếu thảo của Ngài, Đức Phật đã hướng cho Ngài con đường cứu mẹ khỏi những đoạ đày bi ai nơi địa phủ.

Vào rằm tháng 7 hàng năm, Ngài cùng các chư tăng đều tổ chức cầu nguyện cho gia quyến đã qua đời. Cuối cùng, mẹ Ngài cũng được giải thoát, Ngài được Đức Phật nhận làm môn đồ. Khi đó, Ngài đã phát tâm xin Đức Phật cho mình được xuống nơi địa ngục tăm tối để cứu rỗi chúng sanh mê muội.

Ngài nguyện rằng, chỉ đến khi nào địa ngục trống rỗng, không còn bất cứ bóng dáng một sinh linh nào, Ngài mới chứng ngộ thành Phật.

  1. Tại sao lại thờ Bồ Tát Địa Tạng Vương

Bồ Tát Địa Tạng Vương là biểu tượng của tấm lòng hiếu thảo, tôn kính cha mẹ, cũng là biểu tượng của lòng từ bi quảng đại, vì chúng sanh mà nguyện hy sinh thân mình. Ngài không chỉ cứu độ các linh hồn lầm lạc, mà ý nghĩa sâu xa còn cứu độ tâm sanh của mỗi con người. Pháp danh của Ngài mang hai tiếng Địa Tạng, “Địa” là mặt đất, “Tạng” là chứa đựng. Ý nói, tâm con người tựa như mặt đất bao la rộng lớn, có thể dung nạp mọi điều thiện và ác. Mỗi người cần tu dưỡng để vun bồi điều thiện, giảm trừ điều ác ngay trong bản tâm của mình.

Bồ Tát Địa Tạng Vương thường được thờ cúng với những lý do sau:

         Trongcuộc sống hiện tại:

  • Những nguyện lớn mau chóng thành tựu.
  • Được trí huệ lớn.
  • Tiêu trừ tai nạn.
  • Thoát khỏi hiểm nguy.
  • Tiêu trừ tội chướng, bệnh tật.
  • Được quỷ thần hộ vệ.

            Kiếp sau:

  • Thoát khỏi thân nữ.
  • Được thân xinh đẹp.
  • Thoát kiếp nô lệ.

            Lúc lâm chung:

  • Khi người thân sắp mất, chúng ta có thể niệm danh hiệu bồ tát hoặc tụng kinh Địa Tạng, làm nhiều việc thiện cho người đó.
  • Trong giai đoạn 49 ngày sau khi mất, việc Tụng Kinh Địa Tạng cho vong linh quá cố có thể giúp họ được siêu thoát.

            Với người đã quá vãng:

  • Siêu độ vong linh
  • Siêu độ, gặp lại người thân quá vãng.

Sở dĩ có lý do “thoát khỏi thân nữ” là do trong bối cảnh ra đời của Đạo Phật, ở xã hội Ấn Độ ngày xa xưa, người phụ nữ thường không được coi trọng, phải chịu nhiều cực khổ, hy sinh. Thế nên, khi sinh ra trong thân nữ được xem là một điều không may.

Dù việc thờ cúng và tụng kinh Địa Tạng có giúp đạt được những điều trên hay không, thì khi có một vị Phật hay Bồ Tát để làm quang minh soi đường, chuyên tâm tu tập, thì tâm ta cũng đã trở nên sáng trong và bình an hơn rất nhiều rồi.

 

  1. Cách thờ Bồ Tát Địa Tạng Vương

Để thỉnh tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương về tại tư gia, trước tiên gia chủ cần có một ban riêng để thờ. Ban thờ này phải được đặt tại nơi trang trọng, tôn nghiêm nhất khu nhà, thoáng đãng sạch sẽ. Không đặt bàn thờ ở những ẩm thấp, kém trang trọng như dưới chân cầu thang, trong phòng ngủ, gần bếp, gần nhà vệ sinh,… Ban thờ có thể to hoặc nhỏ, tuỳ điều kiện gia đình gia chủ. Nếu trong phòng thờ có cả bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên, phải luôn nhớ đặt bàn thờ Phật cao hơn một phần.

Tương tự, tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương có thể chọn dáng đứng hoặc ngồi, cưỡi linh thú hoặc an vị trên toà sen, chất liệu từ bình dân như sứ, bột đá cho đến cao cấp như đồng, gỗ, lưu ly,… đều được. Gia chủ chọn một ngày lành, cung kính thỉnh tôn tượng về tại tư gia. Điều quan trọng nhất khi thỉnh tôn tượng chính là sự hữu duyên. Tức là gia chủ trực tiếp đến chiêm bái, chọn lấy bức tôn tượng khiến bản thân cảm thấy xúc động vì sắc diện, hình thái, chứ không phải cứ chọn lấy bức tượng đắt tiền là tốt.

Ban thờ Đức Bồ Tát phải giữ vệ sinh sạch sẽ, dâng hương, hoa quả nhang đèn ấm cúng, tuyệt đối chỉ dâng lễ chay không dâng lễ mặn.

Cũng như việc thờ cúng các vị Phật và thần linh khác, việc thờ Bồ Tát Địa Tạng Vương chú trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Không cần phải lễ vật cầu kỳ, chỉ cần gia chủ nhất tâm hướng Phật, tu sửa thân tâm, hướng về cái thiện, chắc chắn sẽ được chư Phật chứng độ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *