- Bồ Tát Quán Thế Âm là ai
Bồ Tát Quán Thế Âm là vị bồ tát được thờ phụng rộng rãi trong Phật giáo Đại Thừa. Gương mặt từ bi hiền lành, tấm lòng bao dung như tình thương của một người Mẹ với đàn con thơ, Bồ Tát Quán Thế Âm được coi là vị bồ tát cứu khổ cứu nạn. Hồng danh Ngài được các Phật tử phát niệm trong những cơn cùng khổ, những mong tai nạn qua đi, bình an và phước lành sẽ đến.
Quán Thế Âm nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe mọi âm thanh của thế gian. Sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp liền nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách. Quán Thế Âm còn có nghĩa là soi xét, lắng nghe thâm sâu vào chính bản thân mình, để thấy mọi ham muốn sân si đều là giả tạm, ngộ ra được điều này, tự thân sẽ thoát được những khổ ách dính mắc.
- Hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm
Từ bi với chúng sanh khổ nạn, quyết tâm đối trị với cái xấu, hoan hỉ với cái tốt là 3 đặc tính của Bồ Tát Quán Thế Âm, thể hiện qua 12 đại nguyện của Người:
- Nguyện thứ nhất: Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, Quán Âm Như Lai rộng phát hoằng thệ nguyện.
- Nguyện thứ hai: Quyết một lòng không sợ khó, Quán Âm Như Lai thường vào Biển phía Đông (tức Nam Hải) nguyện.
- Nguyện thứ ba: Ở Ta bà, vào Địa phủ, Quán Âm Như Lai cứu vớt chúng sanh nguyện.
- Nguyện thứ tư: Diệt tà ma trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện.
- Nguyện thứ năm: Tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Quán Âm Như Lai ban nước cam lồ nguyện.
- Nguyện thứ sáu: Đại Từ bi, Đại Hỷ xả, Quán Âm Như Lai oán thân bình đẳng nguyện.
- Nguyện thứ bảy: Suốt ngày đêm luôn quán sát, Quán Âm Như Lai diệt trừ đường ác nguyện.
- Nguyện thứ tám: Phổ Đà Sơn thường lễ bái, Quán Âm Như Lai gông cùm đứt rã nguyện.
- Nguyện thứ chín: Tạo pháp thuyền vào biển khổ, Quán Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện.
- Nguyện thứ mười: Tiền Tràng phan, hậu Bảo cái, Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây phương nguyện.
- Nguyện thứ mười một: Vô Lượng Thọ cảnh giới, Quán Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện.
- Nguyện thứ mười hai: Thân trang nghiêm, tâm sáng suốt, Quán Âm Như Lai tròn đủ mười hai nguyện.
- Ý nghĩa của việc thờ Bồ Tát Quán Thế Âm
Là một trong những vị Bồ Tát mang dáng hình của người phụ nữ, tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm luôn mang lại cảm giác ấm áp, dịu dàng bao dung. Cành dương liễu và bình nước Cam Lồ trên tay Ngài biểu trưng cho tính mềm dẻo, kiên nhẫn, nhẫn nhục và lòng từ bi bao la như nước trải rộng đến khắp thảy chúng sinh.
Bồ Tát Quán Thế Âm được thờ tự với những mong muốn và hy vọng rất chính đáng của gia chủ:
- Phù hộ cho gia môn luôn bình an
- Lắng nghe tiếng lòng của chúng sanh cùng khổ, mang lại may mắn, an vui trong công việc, sức khoẻ, và nhất là phù trợ cho nữ gia chủ thuận đường con cái
- Nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình về hạnh lắng nghe, từ bi, nhẫn nhịn
- Là ngọn minh đăng để gia đình hướng tới, chuyên tâm tu tập, tu dưỡng thân tâm, một lòng hướng đến cái thiện.
- Cách thờ Bồ Tát Quán Thế Âm
Không giống như lầm tưởng của nhiều người rằng thờ tại gia thì phải thờ tôn tượng Bồ Tát dáng ngồi để Ngài được an vị, còn dáng đứng thì chỉ thờ ngoài sân vườn. Thật ra, tôn tượng dáng đứng hay dáng ngồi hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của gia đình gia chủ. Sở dĩ trong nhà hay chọn tôn tượng dáng ngồi là vì kích thước thường nhỏ hơn các tôn tượng dáng đứng, phù hợp với không gian nhỏ. Tuy nhiên nếu có tôn tượng dáng đứng phù hợp thì thờ tại phòng thờ tư gia cũng không hề ảnh hưởng gì đến việc thờ cúng.
Ban thờ Bồ Tát Quán Thế Âm cần được đặt tại nơi thoáng đãng, sạch sẽ, và đặt cao hơn bàn thờ gia tiên (nếu có). Tôn tượng cần được lựa chọn tại những cơ sở phát hành tượng uy tín, đảm bảo sắc diện đoan nghiêm và thể hiện được hết thần khí của Ngài.
Các vật phẩm trên ban thờ gồm lư hương, bình hoa, chung nước, đèn dầu, xông trầm,… cần sắp xếp cân đối, tuân theo quy luật “Đông bình Tây quả”, màu sắc, kích thước hài hoà với tôn tượng. Ban thờ phải luôn được giữ gìn sạch sẽ, duy trì thắp nhang hàng ngày hoặc nếu gia chủ không có nhiều thời gian, vướng bận nhiều công việc có thể thắp nhang vào ngày Rằm, mùng Một và các ngày vía, ngày Lễ quan trọng của Phật giáo. Các vật phẩm dâng cúng lên ban thờ Ngài phải là đồ chay, tuyệt đối không cúng đồ mặn.
Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát của nhà Phật, chở che cho chúng sanh không phân biệt bản mệnh, giới tính hay tuổi tác. Cho dù bất cứ ai, chỉ cần thành tâm, đều có thể thờ phụng tôn tượng Ngài.