- Phong tục thờ Thần Tài – Thổ Địa ở Việt Nam
Như chúng ta đã biết, thờ Thần Tài – Thổ Địa là một tín ngưỡng dân gian đã hình thành từ rất lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Không chỉ những gia đình kinh doanh buôn bán mà rất nhiều gia đình khác cũng luôn có ban thờ Thần Tài – Thổ Địa trong nhà.
Tuỳ phong tục từng nơi ban thờ Thần Tài – Thổ Địa có thể có 2 hoặc 3 tôn tượng, kèm hoặc không kèm tôn tượng Đức Phật Di Lặc.
Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần trông coi tiền của, mang lại may mắn, vượng khí, tại lộc cho gia đình gia chủ. Còn Thổ Địa là vị thần cai quản một vùng đất, bảo vệ gia chủ khỏi những điềm xấu, xua đuổi tà khí, bảo hộ đất đai và những người sinh sống trên vùng đất đó. Mỗi tượng Thần Tài hay Thổ Địa trên ban thờ đều đại diện cho 5 vị, gồm 4 vị cai quản 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và 1 vị ở trung tâm.
- Cách lập ban thờ Thần Tài – Thổ Địa
Tuỳ quan niệm từng nơi mà cách lập ban thờ Thần Tài – Thổ Địa có thể khác nhau đôi chút. Tuy nhiên, để đảm bảo tính trang nghiêm cho ban thờ, có những điểm chính cần lưu ý như sau:
- Ban thờ Thần Tài – Thổ Địa thường được làm bằng gỗ. Các loại gỗ làm ban thờ phải bền, chắc, ít giãn nở do điều kiện thời tiết như gỗ lim, gỗ căm xe, gỗ hương, hoàng đàn hoặc gỗ mít.
- Ban thờ phải được đặt ở nơi sạch sẽ thoáng đãng, hướng ra cửa chính. Ban thờ được đặt chắc chắn trên nền, tựa lưng vào tường để đảm bảo độ vững chãi, không bị lung lay hay xê dịch trong suốt quá trình thờ cúng, tránh lỗ thủng hay góc nhọn chĩa vào ban thờ.
- Kích thước ban thờ tuỳ vào diện tích nơi thờ cúng và điều kiện của gia đình gia chủ, nhưng cần đảm bảo tính cân đối hài hoà.
Cách bài trí các vật phẩm trên ban thờ như sau:
- Tôn tượng Thần Tài nằm phía bên trái theo hướng nhìn từ ngoài vào, bên phải là tôn tượng Thổ Địa, sau lưng 2 Ngài, trên vách ban thờ là một tấm bài vị. Tôn tượng Đức Phật Di Lặc (nếu có) được đặt trên nóc ban thờ. Các tôn tượng có thể được chế tác từ chất liệu sứ, gỗ, đá hoặc đồng, tuỳ sở thích và điều kiện của gia chủ.
- Nếu có 2 bình hoa và 2 dĩa trái cây, gia chủ có thể sắp xếp 2 bên ban thờ cho cân đối. Nếu chỉ có 1 bình hoa hay 1 dĩa trái cây thì sắp xếp theo quy tắc “Đông bình Tây quả”. Theo tục lệ tổ tiên ngày xưa, các ngôi nhà thường được xoay mặt về hướng Nam, ban thờ quay mặt ra cửa chính, cũng tức là quay về hướng Nam, nên hướng Đông sẽ là bên trái của ban thờ, hướng Tây là bên phải của bàn thờ. Sau này, vì điều kiện mà hướng nhà có nhiều sự sai khác, tuy nhiên vẫn giữ quy tắc “Đông bình Tây quả” để bày bình hoa và đĩa trái cây. Vậy, bình hoa sẽ được đặt bên trái của ban thờ (bên phải theo hướng nhìn từ ngoài vào), còn đĩa trái cây ở bên còn lại.
- Lư hương cần được đặt chính giữa ban thờ và tuyệt đối không xê dịch.
- 3 hũ tam tài gồm gạo, muối, nước được đặt chính giữa các tôn tượng, phía sau lư hương. Người xưa quan niệm đây là những vật phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, chúng được bày lên ban thờ với ý nghĩa mang lại cuộc sống luôn ấm no, đủ đầy.
- Ngoài ra trên ban thờ Thần Tài – Thổ Địa còn được bài trí 5 chén nước tượng trưng cho ngũ phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm hoặc ngũ hành. Trước ban thờ là một bát tụ lộc, thường là một tô sứ to, đẹp, đựng nước sạch và rắc cánh hoa tươi để đón lấy sinh khí và tài lộc cho gia đình gia chủ.
- Cách cúng ban Thần Tài – Thổ Địa
Ban thờ Thần Tài – Thổ Địa cần được giữ sạch sẽ, trang trọng và thắp hương hàng ngày. Hoa trên ban thờ nên tránh cắm hoa giả, hoa dại, các loại hoa thường được sử dụng là hoa cúc, đồng tiền, lay ơn, thuỷ tiên. Trái cây trên ban thờ cũng nên đặt trái cây tươi, có màu sắc rực rỡ như táo, cam, dứa,… Những màu sắc này sẽ mang lại tài lộc và may mắn cho gia đình.
3 hũ tam tài trưng từ đầu năm đến cuối năm và chỉ được thay vào cuối năm, ý chỉ cả năm phúc lộc luôn sung mãn.
Đặc thù lư hương trên ban thờ Thần Tài – Thổ Địa thường nhỏ, nên nếu bát nhang đầy, gia chủ có thể chọn ngày đẹp để xin tỉa chân nhang chứ không nhất thiết phải chờ đến cuối năm như ban thờ Phật và ban thờ gia tiên.
Ngày nay, ở một số nơi vẫn có thói đen đặt tỏi trên ban thờ và cúng cà phê, thuốc lá cho Thần Tài – Thổ Địa, tuy nhiên, đây chỉ là những hình thức cúng mới được hình thành sau này và được truyền tai nhau là có hiệu quả chứ không hề được ghi nhận theo phong tục truyền thống.
Cũng như việc thờ cúng các vị Phật, thần linh khác, thờ cúng Thần Tài – Thổ Địa quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Nếu ban thờ tại gia có đang bày biện hơi sai khác, cách cúng cũng có phần khác biệt so với bài viết trên đây, quý gia chủ không cần quá lo lắng, chỉ cần nhớ luôn đặt cái tâm mình vào việc thờ cúng, như vậy đã đủ để thần linh chứng độ rồi.