Phật giáo Đại Thừa, sau thời gian dài phát triển, cũng được chia ra thành nhiều nhánh nhỏ khác nhau. Tuy mỗi nhánh có thể đề cao hạnh nguyện của vị Phật hay Bồ Tát khác nhau, nhưng về cơ bản, những điều tốt đẹp được truyền giảng là không hề thay đổi, đều hướng con người ta đến cái thiện. Không có bất cứ một ràng buộc nào cho các Phật tử tu tại gia cần phải thờ vị Phật hay Bồ Tát cụ thể nào. Mỗi người, tuỳ theo niềm tin, hạnh nguyện mà mình hướng đến để có thể chọn lấy cho mình một vị để hướng theo. Với những Phật tử theo phái Tịnh Độ, chú trọng tha lực để đạt đến Giác Ngộ, thì có thể lấy Đức Phật A Di Đà làm gương, ngày ngày chiêm bái xá lễ, tụng niệm kinh sách của Ngài mà chuyên tâm tu tập. Phật tử cần tu hạnh lắng nghe, luyện cho mình lòng bao dung bác ái với toàn thể chúng sanh, mong muốn giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi trần ai bể khổ, thì cứ tuỳ nghi đặt một tôn tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm trên ban thờ như một hải đăng soi sáng con thuyền mới lênh đênh trên vùng biển mới mang tên tu tập. Vị Phật tử nào mong tích thêm phước phần cho song thân phụ mẫu, cầu cho người thân đã khuất được bình an siêu thoát, thì cứ hàng ngày thành tâm mà tụng kinh Địa Tạng. Ai hướng đến chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề thì thờ tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng với các vị Bồ Tát và tôn giả hộ vệ như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Đức A Nan, Ca Diếp. Nói tóm lại, việc thờ vị Phật hay Bồ Tát nào trong nhà là điều hoàn toàn tự nhiên thuận theo tấm lòng và con đường của gia chủ, theo đúng tinh thần “vạn sự tuỳ duyên” của nhà Phật.
Người Tu Tại Gia Nên Thờ Vị Phật Hay Bồ Tát Nào

04
Th12