Văn hoá thờ cúng là một nét văn hoá đặc sắc và đáng trân trọng được truyền thụ từ ngàn xưa trong các gia đình Việt, thể hiện sự tôn kính các vị thần Phật cũng như lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, trải dài từ Bắc xuống Nam, trải qua giao thoa văn hoá hàng ngàn lịch sử, bàn thờ mỗi vùng lại có đôi chút khác biệt.
Ở miền Bắc, các gia đình hay sử dụng một giá gỗ được gắn trực tiếp nên tường, ở độ cao trên tầm tay người lớn, mỗi lần thắp nhang hương khói thì phải đặt ghế đứng lên với lòng thành kính. Những gia đình khá giả hơn thì sử dụng bàn thờ được chế tác từ gỗ quý như trắc, cẩm, lim, gụ,… đục chạm, thếp vàng, cẩn ốc xà cừ rất đẹp. Nóc tủ chè (trà) cũng là một nơi mà rất nhiều gia đình sử dụng để làm bàn thờ. Sập gụ tủ chè đã gắn liền với đời sống của người phương Bắc từ rất lâu. Tủ chè cũng là một món đồ giá trị cao trong nhà, một nơi trang trọng nên việc thờ cúng trên nóc tủ là một việc rất hợp lý.
Bàn thờ miền Nam cũng có những đặc điểm riêng khác với bàn thờ miền Bắc. Đối với những gia đình chưa có phòng thờ riêng thì tủ thờ vẫn là vật đẹp nhất trong nhà, thể hiện lòng thánh kính hiếu thảo của người sống đối với tổ tiên. Tủ thờ có 2 loại đó là đục chạm và cẩn ốc xà cừ, các mẫu chạm khảm trên tủ hay gặp nhất là Tứ Linh, Nhị Thập Tứ Hiếu, và các mẫu cảnh mùa xuân .
Ở những gia đình miền Nam khá giả, tủ thờ vẫn là chính, nhưng không gian thờ sẽ có thêm vài món đồ gỗ nữa. Đặt 2 bên tủ thờ là 2 ghế ghi thờ. Hoặc 2 ghế ghi thờ đặt trước tủ thờ (gọi là ghế ghi – nhưng thực tế là 1 chiếc bàn nhỏ, có kích thước khoảng dài 1m – rộng 50). Trên bàn thờ miền Nam còn có sự độc đáo nữa là luôn có một bộ ly tách, để các cụ tổ tiên về ngồi uống trà.
Một điểm khác biệt lớn giữa hai miền nữa chính là nếu như miền Bắc thường không có bàn thờ Phật tại nhà thì đối với người miền Nam, ngoài bàn thờ gia tiên, bàn thờ các vị Phật và Bồ Tát tại tư gia gần như là không thể thiếu đối với các gia đình Phật tử.
Nguồn tham khảo: banthoviet.com.vn