Đôi Điều Chia Sẻ

Sự Khác Nhau Giữa Đình, Đền Và Chùa

Đời sống tâm linh là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Việt, thậm chí được quan tâm chăm chút có phần nhỉnh hơn so với đời sống vật chất thường ngày. Đây là một truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam, được gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ. Đi từ cực Bắc Hà Giang cho đến mũi Cà Mau, có thể dễ dàng nhận ra những hệ thống thờ tự với nhiều dạng thức phong phú đa dạng. Trong đó, nổi bật và chiếm đa số có thể nhắc đến như đình, đền và chùa.

Cùng là nơi thờ phụng, thực hành tâm linh của người dân, nhưng đình, đền và chùa có nhiều điểm khác biệt, được xây dựng nhằm phục vụ những mục đích không hoàn toàn giống nhau.

  1. Đình:

Thời xa xưa, đình làng chỉ là một nơi để nghỉ chân. Đến năm 1231, thượng hoàng Trần Huy Tông xuống chiếu chỉ cho đắp tượng Phật ở đình quán. Năm 1491, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng Quảng Văn đình ngoài cửa Đại Hưng (nay là Cửa Nam, Hà Nội), là nơi để dân đánh trống kêu oan và bố cáo những chính sách của triều đình.

Đến thời Lê Sơ, đình làng mới dần định hình chức năng thờ Thành hoàng và là nơi hội họp của người dân trong làng. Mọi công việc quan trọng của làng đều được tổ chức ở đây.

Tục thờ Thành hoàng bắt đầu du nhập vào nước ta từ thế kỉ XV, trở nên phổ biến rộng rãi vào thế kỉ XVI. Các làng quê ở miền Bắc chịu ảnh hưởng của phong tục này sâu sắc hơn làng quê miền Nam – vốn mới được hình thành các năm sau này. Thành hoàng là một vị thần không có tên tuổi, lai lịch cụ thể, được xem là vị thần “hộ quốc tỳ dân”, trấn giữ an nguy cho địa phương nơi vị thần ấy được thờ tự.

Kiến trúc của những ngôi đình được xây dựng dựa trên những nguyên tắc phong thuỷ. Địa điểm xây đình thường được chọn tại vị trí trung tâm, thuận tiện cho dân làng hội họp vào các dịp lễ hội. Đình làng thường nhìn ra sông, hoặc phải có ao, giếng làng phía trước cho đúng thế “tụ thuỷ”, là điềm mang lại sự thịnh vượng cho cả làng.

 

  1. Đền:

Khác với đình làng, đền thờ là công trình được xây dựng để thờ một vị thần cụ thể, có tên tuổi rõ ràng trong tôn giáo hoặc tín ngưỡng địa phương, ví dụ như đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Gióng,… Nhiều nơi, đền được xây dựng để thờ những vị quan giỏi tướng tài, có công với đất nước, dân tộc, như đền thờ Vua Hùng, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ Đức Thánh Trần,…

Đền thờ thường được xây dựng tại địa điểm được cho là gắn liền với xuất thân hoặc nơi diễn ra các sự tích liên quan đến các vị thần. Với các danh tướng, người có công với dân tộc, đền thờ thường được đặt tại quê hương các Ngài hoặc những nơi tôn nghiêm, trang trọng.

Người dân đến đền dâng hương để bày tỏ sự biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần, các anh hùng dân tộc, đồng thời bày tỏ ước ao được che chở, có nhiều may mắn cũng như thừa hưởng những đức tính uy dũng của các Ngài.

 

  1. Chùa:

Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Chùa trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “tự viện”, là nơi an trí tôn tượng các vị Phật và Bồ Tát, là chỗ lưu trú, tu tập của các vị tăng ni. Dù theo đạo Phật hay không có bất cứ một tín ngưỡng nào, bất cứ ai cũng có thể viếng thăm chùa mà không gặp trở ngài nào.

Nếu như đình thường được xây dựng tại trung tâm làng xã, đền xây dựng ở những nơi gắn liền với các điển tích lịch sử, thì chùa, thường được xây dựng ở những khu vực yên tĩnh, tách biệt với cộng đồng làng xã, thường gặp nhất là trên những đỉnh núi cao.

Chùa Việt Nam thường không phải là một công trình riêng biệt mà là một quần thể kiến trúc, gồm nhiều công trình nhỏ đặt cạnh nhau như đại điện, khu vực lưu trú của tăng ni, các gian thờ phụ, nơi lưu trú cho khách, nhà bếp,…

Tuỳ theo các nhánh nhỏ trong Phật giáo mà kiến trúc chùa cũng có sự khác biệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *