Đôi Điều Chia Sẻ

Thắp Nhang Đúng Cách

 

  1. Nguồn gốc và ý nghĩa của việc thắp nhang

Từ ngàn xưa, nén nhang thơm đã được xem là một phần không thể thiếu trong các nghi thức tâm linh của người Việt. Nhang vốn được xem là phương thức kết nối giữa cõi phàm và cõi tâm linh. Người xưa tin rằng những lời cầu nguyện của con cháu sẽ được làn khói hương đưa theo về cõi linh thiêng, được các vị thần Phật và ông bà tổ tiên nghe thấy. Khi nén nhang được thắp lên, chiếc cầu kết nối thế giới siêu hình và hữu hình cũng được khai mở. Nhang còn là nơi lưu giữ dương khí, cùng với đèn dầu và nến giữ không khí ấm cúng trang nghiêm, cân bằng ngũ hành cho gian thờ.

Theo các ghi chép, việc thắp nhang có nguồn gốc từ Ấn Độ từ những năm 3700 trước Công nguyên. Mãi đến năm 618, một vị tăng từ Ấn Độ mới mang nhang trầm sang Trung Hoa, từ đó, nghi thức này phát triển mạnh mẽ và lan sang các nước lân bang. Phong tục này cũng được lưu truyền và dần đi sâu vào đời sống tinh thần của người Việt như một nét đẹp truyền thống.

  1. Ý nghĩa số lượng nhang thắp trên ban thờ

Khi thắp nhang, người ta thường thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén.

Theo lý giải nhà Phật, số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng. Hơn nữa, Phật giáo quan niệm trong cuộc sống vốn không có gì tuyệt đối nên không thể “chẵn” được.

Còn theo phong thuỷ, số lẻ tượng trưng cho dương khí, giúp mang lại may mắn, thịnh vượng và sự cân bằng. Chỉ duy ban thờ của những người mới mất, còn trong thời gian để tang mới thắp nhang số chẵn, cụ thể là 2 nén.

Có nhiều cách để giải thích cho số lượng nhang thắp trong 1 lần, thông thường nhất là:

  • 1 nén nhang: tưởng nhớ tới đời Phật trong hiện tại, tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
  • 3 nén nhang: tượng trưng cho 3 đời chư Phật quá khứ – hiện tại – tương lai, hoặc tượng trưng cho Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng)
  • 5 nén nhang: tượng trưng cho 5 phương trời, 5 hướng thần linh, 5 mệnh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả Thổ trong ngũ hành
  • 7 nén nhang: còn gọi là Bắc Đẩu Thất Tinh, được dùng trong trường hợp mời thần linh và thiên tướng; 7 nén nhang còn tượng trưng cho “7 vía” của người nam
  • 9 nén nhang: còn gọi là Cửu cửu liên hoàn hương, được dùng khi gặp bế tắc, thắp lên để cầu nguyện Ngọc Hoàng Đại Đế và Thập Đại Diêm Vương; ngoài ra, 9 nén nhang còn là “9 vía” của người nữ

Tuy nhiên, cách thắp nhang phổ biến nhất trong các gia đình người Việt là 1 và 3 nén nhang.

Ngày nay, tại các ngôi chùa, quý tăng, ni cũng có lời khuyên các Phật tử chỉ nên thắp 1 nén nhang, như vậy cũng đủ để bày tỏ tấm lòng tôn kính với chư Phật, vừa giúp tiết kiệm vừa hạn chế ô nhiễm môi trường và các tại nạn hoả hoạn không mong muốn.

  1. Cách thắp nhang đúng cách:

Trước khi thắp nhang cần tắm rửa sạch sẽ, trang phục, đầu tóc gọn gàng chỉn chu. Khi thắp nhang, mỗi người phải có Chánh niệm, tức là đặt toàn bộ tâm ý, suy nghĩ vào việc mình đang làm.

Sau khi châm nhang thì dùng 2 tay dâng ngang trán, vái 3 vái rồi kính cẩn cắm nhang vào bát nhang trên bàn thờ. Nên dùng 2 tay để cắm và cắm sao cho cây nhang ngay thẳng, không nghiêng ngả xiêu vẹo.

Nếu nhà có nhiều hơn 1 bàn thờ thì thứ tự thắp nhang các bàn thờ như sau:

  • Bàn thờ Phật
  • Bàn thờ gia tiên
  • Bàn thờ Thần Tài – Thổ Địa
  • Bàn thờ ông Táo
  • Bàn thờ người mới mất
  • Bàn thờ cô hồn

Việc thắp nhang nên được tiến hành hàng ngày, tuy nhiên, nếu gia đình bận rộn, gia duyên ràng buộc, khó sắp xếp thời gian thì có thể dâng hương vào ngày rằm, mùng một (hoặc 14 và 30) âm lịch hàng tháng, điều quan trọng nhất là khi thắp nhang gia chủ dùng hết lòng thành tâm của mình mà dâng hương khấn nguyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *