1. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là một tín ngưỡng mang tính địa phương, bản địa, cùng với một chút ảnh hưởng từ Đạo giáo xuất phát từ Trung Hoa.

Trong tín ngưỡng này, niềm tin tâm linh được giới tính hoá, cụ thể là mang hình ảnh của một người Mẹ với sự hiền lành, bao dung, yêu thương, cộng với một chút sức mạnh bất phàm chở che, bảo vệ “đàn con” lớn của mình.

Thông qua hình tượng Mẫu, thể hiện sự biết ơn và kính trọng sâu sắc dành cho giới tính đã góp phần tạo ra và nuôi nấng con người, đồng thời gửi gắm khát vọng được giải thoát khỏi định kiến, ràng buộc của người phụ nữ trong xã hội Nho giáo từ xa xưa.

Các Thánh Mẫu cai quản miền trời được gọi là Thiên Phủ, miền rừng núi gọi là Nhạc Phủ và miền sông nước được gọi là Thoải Phủ.

 

  1. Những nghi thức trong phong tục thờ Mẫu

Từ thế kỷ thứ XVI, các nghi thức thờ Mẫu đã trở thành một hoạt động văn hoá – tâm linh phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của người Việt.

Nhắc đến tín ngưỡng thờ Mẫu là nhắc đến hầu đồng, chầu văn và những lễ hội văn hoá dân gian mang tính làng xã, được tổ chức tại các đền, phủ, điện, miếu.

Những người gìn giữ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các thủ nhang (người trông coi đền, phủ và hàng ngày thờ cúng thần linh); pháp sư (người tổ chức các nghi thức hành lễ); thanh đồng (gồm các ông đồng và bà đồng, đóng vai trò trung gian trong việc giao tiếp giữa con người với các đấng thần linh); hầu dâng (ngồi 2 bên thanh đồng, giúp thanh đồng thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục, chuẩn bị đạo cụ khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…); cung văn (xướng nhạc và hát trong nghi lễ hầu đồng); con nhang đệ tử (những tín đồ của đạo Mẫu)…

Mỗi nghi lễ hầu đồng có từ 5 – 36 giá. Mỗi giá hầu một vị Thánh với trang phục, điệu múa, bài hát, lễ vật khác nhau. Âm nhạc và bài hát trong nghi lễ hầu đồng được gọi là hát chầu văn (hát văn). Mỗi làn điệu hát văn gắn với một vị Thánh, mô tả hình dáng, kể về truyền thuyết, cuộc đời, công trạng của họ.

Hát văn trước hết phải có văn chầu để ca công xướng lên hoà với âm nhạc làm nhịp cho người hầu đồng tiến hành nghi lễ và biểu diễn các động tác múa phù hợp với lời ca và âm nhạc. Cuộc diễn xướng này thường diễn ra trên một “sân khấu” có diện tích nhỏ chính là chiếc chiếu được bày trước điện thờ. Người biểu diễn múa lẫn người hầu dâng và các cung văn đều ngồi trên chiếu hoặc xung quanh chiếu.

Các bài chầu văn được các nghệ nhân lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, có bổ sung và sáng tác thêm qua các đời. Những bài chầu văn thường có mô típ quen thuộc của truyện dân gian, diễn đạt bằng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát, mang tính tự sự và trữ tình rõ nét.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Phan Văn Nhật, chầu văn thực chất là những bài thánh ca được các cung văn hát trong những buổi hầu Thánh Mẫu cùng với âm nhạc, múa và các nghi thức khác tạo nên không khí linh thiêng và hoà nhập giữa con người với thế giới tâm linh, đồng thời biểu đạt những giá trị nghệ thuật nhất định.

Những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tin rằng nghi lễ hầu đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh, gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình tới thần linh.

  1. Các dạng thức thờ Mẫu thường gặp ở nước ta
    • Thờ Mẫu ở Bắc Bộ

Bắc Bộ nước ta thường thờ: Mẹ Âu Cơ, Nguyên phi Ỷ Lan, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương,…

Từ thế kỉ thứ XV trở đi, hình thức thờ Tam phủ, Tứ phủ định hình và phát triển mạnh, xuất hiện các nhân vật như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Cô Đôi Thượng Ngàn,… với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo.

  • Thờ Mẫu ở Trung Bộ

Khu vực Trung Bộ, người dân chỉ thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần có thể kể đến như Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành. Hình thức thờ Mẫu thần chủ yếu thuộc về người Chăm với Thiên Y A Na, Po Nagar,…

  • Thờ Mẫu ở Nam Bộ

Tương tự như Trung Bộ, hình thức Tam phủ, Tứ phủ không phổ biến ở khu vực Nam bộ mà cũng chỉ có Nữ thần và Mẫu thần. Ở khu vực này, Nữ thần có thể kể đến như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh Nương, Bà Thuỷ Long, Bà Tổ Cô, Bà Chúa Động,… Các Mẫu thần có thể kể đến như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,…

 

Với những giá trị độc đáo và nổi bật, ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *