Đôi Điều Chia Sẻ

Tứ Linh Trong Văn Hoá Thờ Cúng Của Người Việt

Tứ Linh Trong Văn Hoá Thờ Cúng Của Người Việt

Tứ linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng được bắt nguồn từ bốn linh thần gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Chúng được tạo ra từ bốn chòm sao cùng tên ở bốn phương trời, mang bên mình bốn nguyên tố tạo thành trời đất theo quan niệm của người xưa (nước, gió, đất và lửa theo thứ tự long, lân, quy, phụng). Ngày xưa, việc chọn nơi để làm thành kinh đô cũng phải hội tụ yếu tố hòa hợp giữa các nguyên tố ấy.

Đứng đầu tứ linh là long, đại diện cho sức mạnh, tri thức và quyền lực. Long vốn được xem là con trời, là đấng quyền uy Thiên tử. Văn hoá người Việt cũng gắn liền với hình ảnh rồng thông qua truyền thuyết con rồng cháu tiên. Từ thời phong kiến, long đã được xem là con vật tối thượng, gắn liền với vua chúa, có quyền năng điều khiển thời tiết, khởi tạo mưa – khơi nguồn sự sống. Bay trên trời, lượn dưới nước, đi đến bất cứ nơi đâu trong chớp mắt, long còn là biểu hiện của sự tự do.

Lân (hay gọi kỳ lân vì lân là tên con cái, con đực gọi là kỳ) có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, do không húc ai bao giờ nên sừng này là hiện thân của từ tâm. Trong văn hoá người Việt, lân thường được đặt thành 1 cặp trước cổng đình hoặc cổng nhà nhằm bảo vệ, canh giữ ngôi nhà. Miệng lân há to để thu hút tài lộc và trấn áp mọi loại hung khí vào nhà. Lân mang tính linh, là biểu hiện của điềm lành, cho sự nguy nga tráng lệ, trường thọ và hạnh phúc lớn lao. Đôi kỳ lân mang những ước mơ của người dân về một cuộc sống thái bình, yên ổn và hạnh phúc, thịnh vượng.

Quy đã xuất hiện trong truyện cổ tích từ thời An Dương Vương, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là bóng dáng của thần Vishnu, một tối thượng thần của đạo Bà La Môn.

Quy là vật hợp bởi cả âm lẫn dương: bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Hình tượng rùa đội bia tượng trưng cho hạnh phúc, phát triển và sự chịu đựng. Quy là cao quý, nhiều khi nó là chủ nguồn nước (rùa phun nước thiêng), là một linh vật của đất Phật.

Theo phong thuỷ, quy là biểu tượng của sự trường thọ, chiêu tài hoá sát, trấn trạch, đem lại sự thịnh vượng bền vững, lâu dài, bất diệt với thời gian.

Xếp cuối cùng trong tứ linh là phượng (phụng) hoàng. Giống như kỳ lân, phụng hoàng là tên một loài. Phụng là tên con trống, hoàng là tên con mái, là biểu tượng của sự bất tử. Truyền thuyết gắn liền với phượng hoàng chính là một loài chim không bao giờ chết mà luôn tái sinh từ tàn tro của ngọn lửa do chính chúng tạo ra. Phượng hoàng cũng là loài chim gắn liền với các nữ quý tộc, phụ nữ quyền quý ngày xưa.

Ngày nay, hình ảnh tứ linh hay được chọn để chạm khắc lên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là các sản phẩm nội thất thờ cúng như lư hương, bàn thờ, tủ thờ, chân đèn,…để tạo nên sức thu hút cho ngôi nhà cũng như mang ý nghĩa tâm linh to lớn.

Nguồn tham khảo: wikipedia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *