Chúng ta sinh ra không phải đã là một con người hoàn thiện, mà là kết quả của một quá trình dài bồi đắp, rèn luyện, trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc hình thành tính cách, con người của chúng ta lúc trưởng thành.
Mỗi người đến với thế giới trong một hình hài bé nhỏ nguyên sơ, tâm trí là một trang giấy trắng. Chính gia đình là ngòi bút viết những nét đầu tiên lên trang giấy ấy, thanh hay đậm, đẹp hay xấu, đều là từ những ngày đầu tiên ấy.
Tâm trí trẻ con tựa như một bát nước trong veo, thả vào giọt màu gì thì sẽ lập tức hoà tan mà đổi sang màu ấy.
Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là bậc làm cha mẹ, muốn nuôi dạy con cái mình nên người, thì bản thân phải là một tấm gương tốt để cho con soi, là người thầy, người bạn đáng tin cậy cùng con bước trên con đường trưởng thành.
Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường Bộ Kinh, số 31), đức Phật dạy rằng, mỗi bậc làm cha mẹ phải có 5 bổn phận đối với con cái: “Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con”. Đây là 5 điều căn bản của bậc làm cha mẹ đối với con cái, chúng không phải là tất cả, nhưng chúng có thể được xem là tiêu chuẩn tối thiểu để bậc cha mẹ dựa vào đó làm thước đo cho cuộc sống của mình.
Gia đình thuận hoà, kính trên nhường dưới, cha mẹ tương kính lẫn nhau thì con cái tính tình cũng ôn hoà, biết nói lời hay ý đẹp với người ngoài. Còn cha mẹ nói năng lỗ mãng, hay đánh mắng nhau, con cái cũng sẽ cộc tính, hay nổi nóng, hoặc thu mình lại với thế giới bên ngoài.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình mà mỗi thành viên đều quan tâm, lắng nghe nhau cũng sẽ trở nên cởi mở, biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ hơn. Tốt hay xấu, thành công hay thất bại, chính những năm tháng đầu đời ấy đóng vai trò quan trọng phần chính.