Đôi Điều Chia Sẻ

Ý Nghĩa Của Bàn Thờ Gia Tiên Và Truyền Thống Hiếu Thảo Của Người Việt

Bàn thờ gia tiên đã xuất hiện từ rất lâu và gắn bó mật thiết với truyền thống thờ cúng, tín ngưỡng của người Việt. Trong mỗi ngôi nhà, dù gia thế hay đơn sơ, vị trí trang trọng nhất luôn được dành cho chiếc bàn thờ này.

Có rất nhiều gia đình Việt không theo một tôn giáo nào, trong nhà có thể không hiện diện bàn thờ Phật, bàn thờ thần linh, nhưng bàn thờ gia tiên thì luôn luôn có.

Bàn thờ gia tiên ra đời xuất phát từ truyền thống hiếu thảo của người Việt. Từ ngàn xưa, công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đã được ví như sự râu rộng của trời biển, không thể nào trả hết trong một kiếp người. Đức Phật, trong những bài giảng của mình cũng đã nói rằng “… Có hai hạng người, nầy các tỳ khưu, ta nói không thể trả hết ơn được. Đó là cha và mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên trái đất nầy cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đời nầy.”

Chính vì thế, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sinh thời vẫn chưa thể nào đền đáp hết ơn đức, con cháu lại tiếp tục lập bàn thờ để bày tỏ lòng kính nhớ khi họ đã khuất xa.

Thêm nữa, với quan niệm rằng chết không phải là hết, mà chỉ là bắt đầu một cuộc sống mới, ở một thế giới mới, người Việt tin rằng ông bà cha mẹ vẫn dõi theo và phù trợ con cháu trong cuộc sống hàng ngày, vẫn yêu thương và vẫn trách phạt khi con cháu làm việc sai trái. Bàn thờ, với ngọn đèn sáng và những nén nhang thơm chính là mối dây liên kết con cháu với ông bà tổ tiên, với cha mẹ, níu giữ con người với nguồn cội. Và chính bàn thờ là nơi lưu giữ niềm tin mãnh liệt rằng,những người thân yêu vẫn không hề rời xa mình.

Việc chăm chút chiếc bàn thờ, giữ cho bàn thờ luôn sạch sẽ và ấm cúng không đơn thuần là nghĩa vụ hay trách nhiệm của gia chủ, mà đó là việc làm hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ lòng kính yêu dành cho những người đã khuất. Mỗi nén nhang được thắp lên là những tình cảm nhớ thương cùng theo làn hương về với người thân yêu. Cứ nhìn cái cách cha mình, anh mình, những người đàn ông trụ cột gia đình, dãi gió dầm sương, mạnh mẽ đương đầu với bao khó khăn ngoài kia kính cẩn nghiêng mình bên bàn thờ gia tiên mới biết, mới hiểu hết được. Hình ảnh ấy giống y như đứa con thơ về đứng trước người cha người ông đầy tình thương yêu nhưng nghiêm khắc vậy.

Tuỳ gia đình, vùng miền, mà sẽ có rất nhiều quy tắc khác nhau trong việc chăm chút bàn thờ. Có nơi thì thắp nhang mỗi chiều trước khi trời sập tối, có nơi chỉ thắp ngày cúng giỗ, trước khi đi xa, khi mới đi xa về hay khi xin phép, hỏi ý các kiến việc trọng đại trong gia đình. Có nơi, chỉ có đàn ông mới được thắp nhang, bày mâm cúng. Nhưng dù với quy tắc nào đi chăng nữa, thì đó vẫn là vì truyền thống hiếu kính từ ngàn xưa truyền thụ lại. Và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người Việt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *