Đèn dầu là một vật dụng gắn liền với đời sống văn hoá người Việt từ ngàn xưa, hình ảnh chiếc đèn dầu cũng đã đi vào nhiều tác phẩm văn học với tất cả sự dung dị và gần gũi. Trong những nội thất thờ cúng trên ban thờ, dù là ban thờ gia tiên hay thờ Phật, đèn dầu chiếm một vị trí cực kì quan trọng.
Theo quan điểm của cha ông ta, đèn dầu trên ban thờ là sợi dây liên kết giữa thế giới trần tục và thế giới siêu hình, lửa là chiếc cầu nối giữa con người với tổ tiên và các vị thần Phật. Những lời nguyện cầu bình an sẽ theo làn khói đến bên những đấng siêu nhiên, và sẽ được tiếp nhận, thấu hiểu, đáp lại là sự chở che cho cả gia đình.
Trên ban thờ, lửa đại diện cho hành hoả, 1 trong 5 yếu tố cơ bản cấu thành nên sự sống, tạo cân bằng âm dương ngũ hành, đem lại bình an vũng chãi cho gia đình. Đối với ban thờ Phật, chiếc đèn dầu không chỉ là nơi giữ lửa để thắp hương, đây còn là nơi thắp lên ánh sáng của trí huệ, xua tan những vô minh tăm tối. Đèn dầu là nơi hội tụ sinh khí, giữ sự ấm áp và nguồn sinh khí cho cả gian thờ.
Phần thân đèn dầu có thể được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như gốm, sứ, đồng, đá nhân tạo,… nhưng phần bóng đèn chỉ được chế tác từ thuỷ tinh. Phần bóng đèn phải chịu được nhiệt độ cao nhưng cũng cần mỏng và đủ độ trong suốt để đảm bảo ánh sáng ấm áp có thể lan toả khắp cả gian thờ, xua đuổi hết những tà khí lạnh lẽo, đem hơi ấm của bình an và phước lành đến cả gian thờ, cũng là cho cả gia đình.