Người Việt ta từ ngàn xưa đã có phong tục thờ cúng. Cùng với sự ra đời và phát triển của nền văn minh lúa nước, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thiên nhiên, tổ tiên ta tin rằng mỗi yếu tố trong tự nhiên đều do một vị thần nắm giữ và bắt đầu thờ phụng họ. Hàng năm, những lễ cầu mưa, cúng thần đất, thần nước,… vẫn được tổ chức. Những vị thần này cũng xuất hiện thường xuyên trong những câu chuyện cổ tích, thần thoại dân gian.
Cùng với sự du nhập, giao lưu văn hoá, bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên và các vị thần, tôn giáo cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt, trong đó, Phật giáo chiếm một vai trò quan trọng.
So với những ngày đầu tiên, việc thờ cúng hiện nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại. Những lễ hội vẫn được tổ chức nhưng đã giản lược bớt, loại bỏ yếu tố mê tín dị đoan, trở thành dịp để bà con gặp gỡ giao lưu, tưởng nhớ về nguồn cội là chính. Việc thờ Phật, tổ tiên trong nhà hay thánh thần ở các đình được duy trì như một nét văn hoá đẹp hơn là để mong cầu hay sợ sệt, phụ thuộc.
Ngày nay, nhất là trong những gia đình trẻ, việc thờ cúng chủ yếu là để an tâm, “có thờ có thiêng có kiêng có lành”, như cách ông bà ta vẫn nói. Thờ là để trấn an bản thân, có thêm niềm tin vào việc mình đang làm. Việc thắp nhang, cúng trái cây hay tụng niệm là cách để củng cố niềm quyết tâm và tăng thêm sức mạnh, sự dũng cảm cho tâm mình. Rất nhiều bạn trẻ tuy không đặt bàn thờ trong nhà, nhưng đi đâu cũng mang theo một vòng tay được trì chú, một dây chuyền mặt Phật nơi cổ hay một tôn tượng nhỏ nhỏ đặt vừa trong ba lô. Việc thờ cúng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo quan điểm, nhận thức của mỗi người.
Khi mà áp lực cuộc sống ngày càng cao, những bất ổn xáo trộn xuất hiện ngày càng nhiều, thì số lượng người trẻ tìm về nương nhờ cõi tâm linh lại càng tăng lên. Họ khấn bái theo một kiểu khác, thờ cúng theo một kiểu khác, đơn giản hơn nhưng vẫn không kém phần tôn nghiêm trang trọng. Vì xét cho đến tận cùng, thờ cúng cũng chỉ là quay vào tìm kiếm những điều an lành từ bên trong. Và quan trọng hơn hết, không phải là một tháng thắp nhang bao nhiêu lần mà là mỗi ngày mỗi khắc đều hướng đến điều thiện, biến tâm hồn mình thành một ban thờ luôn tôn nghiêm và ấm cúng. Một cái chắp tay, một lời thì thầm khấn vái, như vậy cũng đủ cho tâm an giữa ngày trôi vội vã rồi.