Xuất thân là Thái Tử con vua, từ nhỏ đã xinh đẹp hơn người, một lòng hướng thiện, Người lớn lên trong nhung lụa và sự bảo bọc của vua cha. Vua cha Người, vốn đã luống tuổi mới có mụn con nối dõi, vừa hạnh phúc khi hạ sanh được Người, lại vừa lo sợ khi có vị giáo sĩ dự đoán rằng lớn lên, con trai của ông sẽ không ở lại cung điện mà sẽ đi khắp nơi phổ độ chúng sanh, cứu họ thoát khỏi những u mê lầm đường lạc lối. Vua cha ra sức giữ lấy Thái Tử yêu quý trong cung, dùng những ấm êm che mắt Người. Những lần Thái Tử đi vi hành, nhà vua đều cẩn thận dặn dò cận thần không cho phép Người nhìn thấy những khổ đau trong dân chúng. Thế nhưng, số mệnh là điều mà không ai có thể thay đổi được. Người đến với thế gian với sứ mệnh khai sáng thì dẫu sớm muộn, Người cũng sẽ thực hiện sứ mệnh ấy.
Ở tuổi 29, sau 4 lần đi vi hành, nhìn thấy cái khổ ải của vòng luẩn quẩn sinh – lão – bệnh – tử, vị Thái Tử trẻ trung từ bỏ vương vị, quyết tâm tìm kiếm con đường giải thoát không chỉ cho riêng bản thân mà lớn lao hơn, là cho tất cả mọi người. Vừa rời khỏi cung điện, Người đã tặng tất cả những gì mình có cho những người gặp trên đường đi: ngựa, vàng bạc và cả xiêm y. Trong 6 năm với biết bao lần thử rồi thất bại, đi theo con đường những vị đạo sĩ khác, có những lúc khó khăn tưởng chừng đã mang Người đi khỏi cuộc sống, Người cuối cùng cũng tìm ra con đường của riêng mình: Con đường Trung đạo! Người hiểu rằng, để thoát khổ, không thể đắm mình trong dục lạc, cũng không thể đày ải bản thân trong con đường khổ hạnh. Hơn hết, cả hai con đường đó là hai con đường ích kỷ, chỉ dành cho riêng cá nhân mà không giúp ích cho đời.
Suốt 45 năm sau ngày giác ngộ dưới gốc Bồ Đề Đạo Tràng, Người đi khắp nơi trên đất nước mình để thuyết pháp, khai sáng cho chúng sanh. Nhanh chóng nhận được sự yêu thương tin tưởng của dân chúng, tuy nhiên, cũng vấp phải rất nhiều nghi hoặc chống đối, nhiều kẻ rắp tâm ám hại. Bằng trí tuệ, lòng bao dung, Người dần dà cảm hoá được họ. Đáng nói hơn hết là những sai lệch, sân si ảo vọng còn tồn tại trong lòng những đệ tử thân cận bên Người. Nhờ sự kiên nhẫn, Người đã từ từ hướng họ về đúng con đường mà Người đã vạch ra.
Trong câu chuyện về Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa sâu sắc. Để đạt đến giác ngộ, trước tiên, mỗi người đều phải trải qua khổ ải để biết khổ là gì, điều gì là nghiệp, là dính mắc. Vừa ra khỏi thành, Thái Tử đã tặng hết những gì mình có, như một hình ảnh biểu trưng cho sự buông bỏ mà nhà Phật đến. Muốn đắc đạo, tỉnh giác, đầu tiên phải biết cách buông. Mọi vật chất, hỉ nộ ái ố đều là giả tạm, xác thân này cũng chỉ là chốn nương nhờ nơi trần thế. Sự bình yên từ trong tâm, giác ngộ từ trong tâm mới trường tồn vĩnh cửu. Và đưa chúng sanh đến với con đường Trung Đạo, thoát khỏi sinh tử luân hồi là đại nguyện mà Đức Bổn Sư một lòng hướng đến. Với Người, Phật ngự trong lòng mỗi người, chỉ cần một lòng hướng Phật, trong tâm sẽ có Phật
“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.”